Là họa sĩ có nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ và cũng là một trong những tác giả có tranh được sưu tập nhiều nhất hiện nay,ọasĩTrầnTrungLĩnhPopartgiúptôicócáinhìntrungdunghơ1991 Trần Trung Lĩnh có một vài chia sẻ trước khi triển lãm chính thức diễn ra…
*Chào họa sĩ Trần Trung Lĩnh, vừa mớitriển lãm Van Gogh ở Sài Gòn(tháng 5.2023), nay lại Ha ha ha!, một năm 2 triển lãm cá nhân, anh lấy đâu ra nhiều năng lượng để sáng tạo như thế?
- Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: Tôi hay tự quan niệm cho chính mình, một xã hội phát triển là nơi mọi người cùng chuyển động, làm việc, cống hiến không ngừng nghỉ. Nên là họa sĩ, đôi khi, có thể mình không tạo ra được vật chất hữu hình, thì cũng phải chuyển mình để tạo ra cái vô hình giúp ích cho đời đẹp. Thế nên cứ lên kế hoạch! Tôi là người có thói quen bám theo kế hoạch mà làm, chứ không ngồi đợi cảm hứng tới. Nhưng Ha ha ha!thì bắt nguồn từ cảm hứng lẫn kế hoạch mà tôi lập ra từ trước. Khi cảm hứng đủ mạnh thì nó cứ tuôn ra theo những gì mình hoạch định mà thôi.
*Van Gogh ở Sài Gòntừng thu hút hơn 400 lượt người xem trong 1 ngày và kéo dài suốt 2 tuần liền, quả là một con số ấn tượng. Nhiều người nói thành công của Van Gogh ở Sài Gòn là nhờ phong cách pop art đã nhuần nhuyễn ở Trần Trung Lĩnh. Từng thử nghiệm nhiều thể loại, nhưng hình như nay anh chọn pop art là con đường. Anh có thể nói về con đường này?
- Trong hội họa, đa phần họa sĩ, tôi nghĩ, cần thời gian để định hình chính mình, để xác định con đường đi về phía trước. Tôi cũng thế thôi, dành rất nhiều thời gian tuổi trẻ để chơi với hội họa, rồi dần dà nhận biết "bản lai diện mục" của mình, mình là ai, mình đang ở đâu. Tôi mê văn hóa đại chúng, mê biểu tượng, mê âm nhạc, mê hướng ngoại tìm tòi những tâm hồn mới, mê cộng đồng… nên tìm tới pop art. Thực ra thì pop art là con đường ở ngay trước mặt mà mình cứ mãi loanh quanh, tìm kiếm, đến lúc sau mới sực nhìn thấy.
Pop art, trước hết giúp tôi có được vài thành công nho nhỏ, sau thì mang lại cho tôi những cái nhìn "trung dung" hơn, không để tâm hồn mình rơi vào cực đoan, cảm xúc một cách quá quắt hoặc nhốt mình trong tháp ngà nội tâm. Con đường sáng tác hội họa này thay đổi tôi, khiến tôi thấy cảm giác an toàn hơn, gần gũi khán giả hơn và, cũng mang lại một nguồn sống vừa đủ…
*Xem tranh của Trần Trung Lĩnh, dù ít dù nhiều, người thưởng lãm vẫn thấy tinh thần giễu nhại và sự phơi phóng. Nhưng hình như anh vẫn có gì đó tiết chế?
- Quả là có phần đúng vậy. Quy luật số 1 của "sự sống hành tinh" mà tôi đọc được, là "kẻ thích nghi tốt là kẻ chiến thắng". Tạm dùng như vậy để thấy, mình sống ở xã hội nào, đất nước nào thì trừ khi là kẻ "điên" thật, hoặc thiên tài, mới không dùng đến sự "tiết chế". Tôi tiết chế, nắn suy nghĩ của mình, đưa tác phẩm đi vừa đúng vừa đủ, không quá đáng, bởi tôi không "điên", càng không phải thiên tài, nên cái sự mỉa mai giễu nhại, tôi dùng nó ý tứ một chút.
Cho nên tiếng cười "Ha ha ha" ở loạt tranh này, vừa thôi, có chút chua xót, có chút bức xúc, có chút cảm thông, có chút không gian chừa lại cho người xem tự chọn kiểu "cười".
Nghĩa là anh cho người xem có quyền tham gia vào không gian sáng tác của mình?
- Đúng. Và, tôi nghĩ điều ấy thật tuyệt vời.
*Ngoài lề một chút. Từng tham gia nhiều đoàn làm phim ở vai trò họa sĩ thiết kế, nhưng hình như hiện nay anh tạm ngưng công việc này?
- Tôi hơi võ đoán, nhưng nhìn chung nghề này ở xứ mình, "mối quan hệ" quyết định rất nhiều đến việc triển khai công việc, hay hợp tác cùng ai đó… Tôi có cảm giác mình đang dần tuột đi những mối quan hệ đó. Thỉnh thoảng như thấy mình tự đứng riêng ra, nhìn, bởi tiếng nói chung ngày càng ít đi. Có thể cứ thế mà làm, mặc kệ xung quanh nhưng chắc tôi không làm vậy được. Như cách tôi đối xử với hội họa, yêu ghét rõ ràng, thấy không đúng thì không làm. Dần dà, tôi thấy mình không còn phù hợp với "guồng máy điện ảnh Việt".
Nhưng tôi sẽ chờ đợi, đến khi mình được làm đúng điều mình nghĩ.
*Tôi biết anh từng viết kịch bản phim và tìm kinh phí để tự làm đạo diễn phim của mình, nhưng dự án vẫn... giậm chân tại chỗ?
- Những dự án tôi viết, có thể là chưa "lọt mắt xanh" của các nhà đầu tư vì ở thời điểm như bây giờ, tôi còn tự cảm thấy sẽ là mạo hiểm khi sản xuất những phim như vậy. Kinh tế suy giảm thì những sự gai góc, những câu thoại khó nghe, câu chuyện phim đau lòng, bi kịch tức tối, không "happy ending" và mạch phim đầy tính ẩn dụ như vậy sẽ không hợp với tâm lý thị trường chút nào.
Mặc dù vậy, tôi vẫn ôm ấp và chờ đợi, bởi nếu được làm mà phải chạy theo cái gì đó thì giống như vẽ tranh, chẳng còn là đứa con tinh thần của mình nữa, vậy rất phí công "mang nặng đẻ đau" tác phẩm.
*Anh nghĩ gì về điện ảnh Việt hiện nay?
- Từng làm phim, tôi biết điện ảnh có lúc thăng, lúc trầm, môi trường nào cũng vậy thôi, nhưng cái cách điện ảnh Việt hiện nay đang đi, con đường đó đôi khi hao hao những gì tôi nghĩ, và vẽ cho loạt tranh Ha ha ha này. Cười, nụ cười chua xót. Mọi người đang đổ xô vô chuyện đúng, sai, mổ xẻ, đàm tiếu nhau, chia bè rẽ cánh. Rốt cuộc những tranh luận đó, mà tôi thường chọn cách khẽ khàng xin được đứng sang một bên, bởi làm nghệ thuật thì không nên chiêu trò, cũng không nên gân cổ ra gào khản giọng để chứng minh đúng hay sai. Chỉ có làm, hoặc không làm, và làm thì "chơi hết mình" với đứa con tinh thần đó thì sẽ được đáp lại bằng yêu thương.
Nên nói là điện ảnh Việt đang suy hay đang thịnh, thật khó. Nhưng để nói điện ảnh Việt đang hay, thì chưa đúng lắm. Đó là nhận định chủ quan của tôi.
*Trở lại hội họa, sau Ha ha ha! sẽ là...
- Như tôi đã nói, tôi là người thích kế hoạch, nên gần như sau Ha ha ha! sẽ là một năm bận rộn với một triển lãm "đơn sắc", sẽ là một loạt tranh tôi đã vẽ ròng rã 8 năm trời, khó khăn, khó đi vào lòng công chúng, khó nhìn và khó phán xét.
Ở "đơn sắc" là những dòng cảm xúc về sự cô đơn, thân phận, cái bao la của vũ trụ và hình hài bé nhỏ của con người trong đó, ở "tình yêu, cái chết và dục tính thiêng". Tôi vẽ về sự thiêng liêng của dục tính, đạo đức, cái chết, tình yêu, vòng xoáy mà con người thường có xu hướng tránh nói, tránh va phải, tránh bàn luận. Nhưng rồi đến cuối cùng, cũng chính họ chìm đắm trong những thứ ấy. Tôi coi đây là thách thức riêng từ lâu tôi muốn chinh phục nhất.
Trần Trung Lĩnh sinh năm 1977 tại Hội An. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Cá tính nghệ thuật của Trần Trung Lĩnh bay nhảy qua các trường phái khác nhau, nhưng rõ nét nhất là "biểu hiện" và "pop art". Họa sĩ bị ảnh hưởng bởi Van Gogh, Egon Schiele, Pollock cùng các tên tuổi đương đại khác như Bacon, Jenny Saville hay Basquiat. Các triển lãm của anh diễn ra trong nước, tại quê nhà, ở Bali (Indonesia).
Anh cũng dành nhiều thời gian hơn cho điện ảnh, với nhiều vai trò khác nhau, từ họa sĩ thiết kế cho đến đạo diễn, viết kịch bản...; là nhà sáng lập của chương trình Rock'n'share, Quỹ thiện nguyện "Vì tụi nhỏ".